Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 24: Đoan Ngọ




Từ chương trước tới chương này có một bug của tác giả, có ai đoán được là gì không? Mình không sửa vì là văn của tác giả nhưng nghe nó rõ… điêu… Lỗi nhỏ thôi, sẽ kể ở cuối chương nha.

Ra roi thúc ngựa, đi từ kinh sư đến Hồ Quảng, cùng lắm mất hai ngày.

Bên ngoài khoang thuyền, vầng trăng chiếu rọi. Hắt xuống mặt sông, ánh trăng lại càng sáng, nổi bật trên nền nước sông đen kịt, đen không thấy đáy.

Trong khoang, một người đàn ông ngồi trước đèn lau một thanh loan đao. Thanh đao này chém sắt như chém bùn, vậy mà người đó lại dám dùng lòng bàn tay cọ qua lưỡi đao sắc bén, chẳng màng đến ánh sáng lạnh lẽo đến đáng sợ đang hắt ra từ thân đao.

Cốc cốc mấy tiếng, tùy tùng gõ vào cửa khoang, "Nhị gia, đã đến phủ Giang Lăng."

Thuyền cập bến lúc nửa đêm, vậy mà trên bờ đã có người chờ sẵn từ lâu, đèn đuốc sáng rực. Vị tri phủ mặc bộ quan phục màu xanh run rẩy lên tiếng: "Hoắc tướng quân, hạ quan..."

Hoắc Minh Cẩm không để ý đến hắn, sải đi về phía con ngựa đang được tùy tùng dẫn tới, xoay người lên ngựa, quát một tiếng, cưỡi ngựa rời đi.

Mặt tri phủ từ xanh đổi sang trắng, từ trắng chuyển sang đỏ, bỗng nhiên hai tay vỗ đánh phách một cái cười ha hả.

Mấy chục quan nha tiểu lại [1] xung quanh nhìn nhau, đại nhân bị dọa sợ đến phát điên rồi hả? Hay là giận quá hóa điên?

[1] Quan lại là từ chỉ chung những người trong bộ máy nhà nước phong kiến, bao gồm quan và lại. Quan là người điều hành, lại là người thực hiện theo lệnh của quan. Nhìn chung, lại là cấp bậc nhỏ hơn quan, giúp việc cho quan.

Quan chủ bộ đánh liều kéo cánh tay tri phủ, "Đại nhân, ngài xem giờ phải làm thế nào bây giờ?"

Tri phủ ngừng cười, vung tay hất chủ bộ ra, thở phảo một hơi, nói: "Giải tán! Giản tán! đi về thôi!"

Nghe nói Hoắc tướng quân sắp đi về phía nam, hắn sợ tới mức mấy đêm nay không đêm nào ngủ được. Tuần phủ Chiết Giang kia chính là họ hàng xa của thủ phụ Thẩm Giới Khê, vậy mà Hoắc tướng quân nói giết là giết, không chỉ giết mà băm người ta thành thịt vụn cho chó ăn. Bao nhiêu năm làm quan, tri phủ chưa từng nghe nói có vị quan võ nào dám ngạo mạn trước mặt quan văn như vậy.

Nhưng Hoắc tướng quân dám. Người ta không chỉ dám làm còn đường đường chính chính tập hợp tội trạng của tuần phủ Chiết Giang, bẩm báo lên đương kim thánh thượng. Thánh thượng không những không trách tội Hoắc tướng quân, còn nói người ta giết đúng người nữa kia!

Khi ấy, cả triều văn võ đều trợn mắt kinh hoàng, mấy vị các lão đại thần thường ngày vốn hô mưa gọi gió cũng đành tạm thời không phản ứng, để xem sau này thế nào.

Nghe tin Hoắc tướng quân sắp đến phủ Giang Lăng, tri phủ sợ hãi khấn trời vái đất lạy lục tổ tiên, suýt nữa còn định chuẩn bị đồ dùng cần thiết, kéo một nhà già trẻ lớn bé chạy trốn. Trốn thôi, so với mạng thì cần gì cái chức quan này nữa chứ.

Ngẫm lại vẫn thấy sợ! Tri phủ lau mồ hôi, may quá, Hoắc tướng quân không tới đây vì hắn.

Phần mộ tổ tiên Thôi gia không khó tìm. Trước kia, Thôi gia cũng là một gia tộc lớn trong vùng nên nhiều người biết đến, gần đây danh tiếng của Thôi Nam Hiên lại lên cao như diều gặp gió, cứ chọn bừa một người trong vùng để hỏi thăm thì đều sẽ biết phần mộ tổ tiên Thôi gia nằm trên sườn núi Nam Sơn, thế tựa núi nhìn sông, phong thủy rất tốt.

Tuy giờ là mùa hạ, đường đi trên núi lại rất sạch sẽ, đường rộng bằng phẳng, không có cỏ dại mọc lan tràn khắp nơi, chắc hẳn là do thường xuyên có người lên đó dọn dẹp.

đi một lúc đã tới sườn núi.

Tùy tùng chỉ vào một tấm bia đá mà chỉ cần nhìn thôi cũng đoán ra được rằng tấm bia này mới được dựng lên chưa lâu. "Nhị gia, đây ạ."

Theo phong tục của Hồ Quảng, người chết ba năm mới được lập bia.

Hoắc Minh Cẩm đứng trước tấm bia đá một lúc, gió đêm lạnh lẽo, lửa trên đuốc cũng bị gió tạt đi, chỉ còn leo lét. Khuôn mặt chàng như đã hòa vào ánh trăng thanh lãnh kia, mắt chàng tối lại, trầm giọng nói: "Đào lên."

Đám tùy tùng vâng dạ, cầm lấy cuốc xẻng đã chuẩn bị từ sáng sớm, bước lên chuẩn bị đào.

"Dừng tay!" một tiếng quát vang lên, mười mấy người mặc đồ đen vụt ra từ rừng thông bên cạnh, vây chặt Hoắc Minh Cẩm và đoàn tùy tùng, cánh cung trong tay mỗi người đã kéo căng, những mũi tên nhọn chỉ thẳng vào Hoắc Minh Cẩm.

Người đàn ông cầm đầu có khuôn mặt chữ điền đi vài bước tới trước mặt Hoắc Minh Cẩm, ôm quyền kính cẩn, "Hoắc tướng quân, cái chuyện đào mộ nhà người ta là thất đức, ngài không sợ người dưới đất kia tới sẽ tìm ngài sao?"

Hoắc Minh Cẩm nhếch môi: "Ngươi là người của Thôi Nam Hiên?"

Người đàn ông mặt chữ điền không nói gì.

Hoắc Minh Cẩm ra lệnh cho tùy tùng tiếp tục, lơ đãng nói: "Các ngươi không ngăn nổi ta, tránh ra."

Người đàn ông mặt chữ điền siết chặt tay, bỗng nhiên thét lớn một tiếng rồi quăng nắm tay về kía Hoắc Minh Cẩm.

Hoắc Minh Cẩm dễ dàng đánh bạt quyền này của hắn, chỉ đôi chiêu đã nhẹ nhàng đánh gãy tay người kia.

Tùy tùng của chàng cũng lao tới, giữ lấy người đàn ông mặt chữ điền, ra một quyền, lại một tiếng nứt vỡ răng rắc vang lên, người kia kêu lên thảm thiết, người tùy tùng đẩy người đàn ông nọ ra, xoa xoa nắm tay, "Cỡ như thằng nhãi này mà cũng cần Nhị gia tự ra hay hay sao!"

Vụt vụt mấy tiếng, nhanh như chớp, mũi tên từ khắp các hướng khác nhau bay thẳng về phía hai người họ nhưng đều bị tùy tùng dùng song đao gạt ra.

Hai bên lao vào nhau chém chém giết giết nhưng không ai nói lời nào, chỉ có tiếng gió núi u u hú hét tựa như tiếng gào khóc của ma quỷ.

Hoắc Minh Cẩm đứng khoanh tay, quay lưng về phía tấm bia đá, gió núi quấn lấy quần áo trên người chàng, vạt áo tung bay.

"Nhị gia!" Mấy người tùy tùng đào xong mộ thì nhảy xuống tìm kiếm một lúc lâu rồi lại nhảy lên mặt đất, "Quả nhiên chỉ là một cái mộ chôn quần áo và di vật!"

Hoắc Minh Cẩm chậm rãi khép mắt lại. Lát sau, chàng mở mắt, đôi mắt sáng đến rợn người.

Chàng đi về phía người đàn ông mặt chữ điền đang nằm trước mặt, từ tốn nói: "nói với Thôi Nam Hiên, muốn lừa gạt người đời thì phải làm cho giống một chút."

Người đàn ông mặt chữ điền xì một tiếng khinh miệt, "Ban đầu làm gì có ai nghi ngờ, Hoắc tướng quân, ngài lật tung lên như vậy mới hỏng việc đấy!"

"hắn đang đề phòng ai nghi ngờ?" Hoắc Minh Cẩm hỏi.

Người đàn ông mặt chữ điền biết mình nói lỡ lời, hất mặt đi chỗ khác, không nói chữ nào nữa.

Hoắc Minh Cẩm nhếch môi thành một nụ cười châm chọc, "Hóa ra là vậy, hắn cũng đề phòng Thẩm Giới Khê."

Thẩm Giới Khê phò tá hoàng thượng đăng cơ, một bước này đủ để đưa lão từ một thần tử ít kinh nghiệm nhất trong nội các lên tới thẳng vị trí thủ phụ, Thôi Nam Hiên là học trò lão tin tưởng nhất. Ngày Ngụy Tuyển Liêm bị đánh chết, Thôi Nam Hiên vẫn đứng trên bậc thang chuyện trò với Thẩm Giới Khê. hắn tận mắt nhìn thấy nhạc phụ thường ngày vẫn yêu quý hắn chịu chết dưới trượng hình nhưng vẫn thờ ơ không quan tâm, thậm chí mày cũng không nhíu chút nào.

Vốn tưởng rằng Thẩm Giới Khê và Thôi Nam Hiên thân thiết như cha con, Thôi Nam Hiên còn vì ủng hộ thầy mình mà bỏ rơi gia đình nhà vợ, hóa ra chỉ đến vậy, họ vẫn đề phòng lẫn nhau.

Nhìn chung người thông minh đều thế cả, làm gì có bạn bè vĩnh viễn, còn chung lợi ích thì họ còn là đồng minh của nhau, vậy thôi.

Người đàn ông mặt chữ điền tức giận phừng phừng: "Ta chưa nói gì hết! Ngươi suy đoán lung tung!"

Hoắc Minh Cẩm đã biết được cái mình muốn biết, không do dự, lập tức quay đầu rời đi.

oOo​

Đoan Ngọ là phải ăn năm thứ "hoàng": hoàng ngư (cá vược vàng), hoàng thiện (lươn), hoàng qua (dưa chuột), hàm đản hoàng (lòng đỏ trứng muối) và rượu hùng hoàng.

Tháng năm là mùa dưa chuột, cá vược và lươn: dưa chuột tươi roi rói, xanh tươi ngon miệng, cá vược vàng và lươn cũng béo, ngọt mềm nhiều thịt. Tầm Tết Đoan Ngọ, trứng vịt muối ngâm từ tiết thanh minh cũng vừa tới độ, lòng trắng đã lỏng ra, lòng đỏ đỏ hồng, chín nục, ăn với cháo đậu xanh là ngon nhất. Còn lại, rượu hùng hoàng là dùng để trừ tà giải độc.

Thời tiết dần oi bức, những quả đào, quả hạnh, quả sơn trà đã chính mềm, quả đỏ rực, quả vàng óng treo trĩu cả cành, có thể giơ tay là với đến được.

Đến đúng Đoan Ngọ, Phó Vân anh vẫn dậy sớm như thường lệ, ăn cháo nấu bằng cơm rượu, lươi chiên rồi bị Phương Tuế ép uống một ít rượu hùng hoàng, sau đó lại đi ra sân đọc sách dưới gốc táo.

Vừa đọc đến đoạn "Duyên Thái Sơn chi a, vũ vu tùng bách chi hạ" [2], Phó Quế và Phó Nguyệt đã rón ra rón rén đi tới sau lưng nàng, rồi bất ngờ vỗ môt cái vào vai nàng, cười hì hì: "Ngũ muội muội, đừng đọc sách nữa, hôm nay tứ thúc đưa chúng ta đi xem đua thuyền rồng!"

[2] Đại ý là núi Thái Sơn (dù có cao đến đâu) vẫn ở dưới gốc tùng bách.

Phó Nguyệt rút cuốn "Chiêu Minh Văn Tuyển" trong tay Phó Vân anh ra rồi đưa cho nha hoàn đứng bên cạnh, "Ngày nào cũng đọc cái này, muội không thấy buồn chán sao?"

Phó Vân anh cười cười không nói gì.

Phó Quế nâng cằm nàng lên ngắm nghía một lúc. "Hôm nay các bà các thím trong tộc đều sẽ đi ra bờ sông xem đua thuyền, cũng phải trang điểm cho muội một chút mới được. Nào, tới đây, tỷ với Nguyệt tỷ nhi chải đầu cho muội nhé."

Nha hoàn mang đồ trang điểm ra trước hành lang. Phó Quế ấn Phó Vân anh ngồi xuống, xõa tóc nàng ra, lấy chiếc lược sừng chấm một chút dầu hoa quế rồi chải tóc cho nàng, đầu tiên phải gỡ cho tóc khỏi rối rồi mới chải cho thật suông. Phó Nguyệt đứng cạnh, lúc đưa giúp cái này, lúc đưa hộ cái kia.

Phó Vân anh ngồi tựa vào hành lang, nhìn lên những chùm hoa táo đang náu mình trong tán lá, mặc cho các chị họ chải tóc cho mình. Mấy cô bé mười mấy tuổi, đang tuổi ham chơi, nàng nhỏ tuổi nhất nhưng lại trầm tĩnh nhất. Phó Nguyệt và Phó Quế bình thường vẫn muốn rủ nàng chơi cùng, hôm nay cuối cùng cũng có cơ hội, làm gì có chuyện để nàng trốn thoát.

Đoan Ngọ mọi người đều nghỉ học, tộc học nghỉ, Tôn tiên sinh cũng xin phép về quê thăm mẹ. Phó tam thẩm và Tiểu Ngô thị đã được bên nhà mẹ đẻ đón về nhà "trốn Đoan Ngọ", Lư thị phải lo liệu nhiều việc trong nhà nên không về nhà mẹ đẻ. Đến chiều, Phó tứ lão gia và Lư thị sẽ đưa mấy đứa trẻ trong nhà đi bờ sông xem đua thuyền rồng, ngay cả Đại Ngô thị và Hàn thị cũng sẽ đi cùng. Đến khi đó, người cả huyện cũng sẽ đều đổ ra bờ sông, cổ vũ cho các dũng sĩ trên thuyền. Đích thân tri huyện đại nhân còn sẽ mời cụ ông cao tuổi nhất trong huyện lên trúc lâu (lầu cao làm bằng trúc) uống rượu. Trúc lâu nhìn ra bờ sông, tầm nhìn rộng mở, có thể theo dõi toàn bộ trận thi đấu.

Phó Quế khéo tay, nhanh chóng chải cho Phó Vân anh hai cái búi tóc nho nhỏ đáng yêu, buộc lại bằng dây nhung, còn cài trâm hoa, cuối cùng nhét mấy đóa hoa nhài xuống dưới nếp tóc đã được cuộn lại phía dưới búi tóc, như vậy có thể tỏa hương cả ngày mà lại không bị lộ hoa ra ngoài.

Phó Nguyệt nhìn cũng ngứa ngáy chân tay, mở hộp phấn, định thoa lên mặt Phó Vân anh nhưng đã bị Phó Quế gạt ra, "anh tỷ nhi còn nhỏ, đâu cần thoa phấn chứ."

Phó Nguyệt cười ngượng ngùng, đặt hộp phấn xuống.

Nhưng Phó Quế lại đổi ý, "Nhưng mà hôm nay là Tết cơ mà!"

nói xong, nàng cầm hộp trang điểm lên, lấy chiếc trâm gạt lấy một ít sáp trong, bôi lên môi Phó Vân anh, cười dỗ dành: "anh tỷ nhi xinh đẹp quá này!"

Phó Vân anh mặt tỉnh như không.

Phó Nguyệt cuối cùng cũng cầu được ước thấy, cẩn thận giúp Phó Vân anh thoa phấn. Nàng dùng phấn hoa đào, người bán son phấn còn quảng cáo phấn này dùng những cánh hoa đào đẹp nhất của tháng ba để bào chế, dù thật ra là lừa đảo, phấn hoa đào trên cơ bản toàn là bột đậu, nhưng được cái cũng không cho gì độc hại, sẽ không hại da.

Phó Quế và Phó Nguyệt làm hết cái này đến cái kia, đến nỗi đầu toát đầy mồ hôi, lại thêm đám nha hoàn bị chỉ đạo cho chạy ra chạy vào làm việc này việc nọ nên trong sân thi thoảng lại vang lên tiếng cười. Chỉ có Phó Vân anh là vẫn không nói lời nào, vào vai búp bê sứ bị hai chị họ người này ôm một cái, người kia sờ một phen.

Giữa trưa, vào giờ ăn cơm, Phó tứ lão gia nhìn Phó Vân anh đã bị trang điểm đến độ không giống ban đầu cũng ngứa tay xoa xoa hai búi tóc nhỏ trên đầu nàng, "anh tỷ nhi nhìn thật giống tiểu Kim Đồng bên cạnh Quan âm."

Lư thị cười, "Phải nói là giống tiểu Ngọc Nữ chứ!"

Mọi người cũng cười theo.

Phó Vân anh đang tập trung ăn cơm rượu, mặt vẫn nghiêm túc không cười như cũ, tự nhiên lại cau mày. Cơm rượu này không ngon lắm, chua quá.

Nàng nào biết nàng càng tỏ vẻ nghiêm trang trịnh trọng, người lớn trong nhà càng thích trêu chọc nàng.

"anh tỷ nhi, tứ thúc mua cho con một cây trâm cài hình con bướm này, con thích không?"

Ăn cơm xong, Phó tứ lão gia sai nha hoàn mang đồ trang sức ông mua cho các tiểu nương tử trong nhà ra, từ trong hộp lấy ra một chiếc trâm bươm bướm bằng bạc quơ quơ trước mặt Phó Vân anh, cười cười hỏi.

Phó Vân anh ngẩng đầu, đứng dậy nói: "Đa ta tứ thúc." rồi cung kính đưa tay đỡ lấy chiếc trâm.

Phó tứ lão gia và Lư thị nhìn nhau như thầm than thở "Đó đó, vẫn vậy". Phó tứ lão gia cười ngượng. Ông chưa bao giờ từ bỏ ý định trêu chọc, hy vọng Phó Vân anh cười một cái, anh hùng bất khuất ra trận là thế vậy mà đánh trận nào thua trận đó. Nhưng không sao, ông không thể nhụt chí được, vẫn phải tiếp tục cố gắng.

Cháu gái giống như một con mèo lạnh lùng, nghe lời thì vẫn nghe lời, nhưng mà lại yên tĩnh quá, không thích làm nũng với người lớn, ngồi một mình cũng có thể ngồi nguyên một ngày. Nhiều khi ông chỉ muốn xách con bé lên lắc lắc vài cái, cho nó có thêm chút biểu cảm, tốt nhất là chuyển sang biến thành con chó nhỏ vui vẻ chạy nhảy cả ngày.

Tiểu nương tử phải như thế mới đúng chứ!

Trời nóng, uống mấy ly trà trúc diệp lạnh cho giải nhiệt, mấy chị em lại ngồi trước hiên hóng mát.

Đám bà tử cầm gậy trúc, xách giỏ tre, ôm vải bạt, bê ghế vào trong viện hái quả chín: nào là sơn tra, hạnh, mận, đào. Họ lấy gậy trúc đập vào nhánh cây, thế là bạch bạch mấy tiếng, lá bay tán loạn, quả chín cứ thế rơi xuống, lăn lông lốc trên vải bạt.

Phương Tuế, Xương Bồ đem sơn tra, đào, mận đi rửa sạch rồi bưng tới mái hiên cho các vị tiểu thư ăn.

Phó Nguyệt không cho Phó Quế và Phó Vân anh ăn nhiều mận, miệng cứ lải nhải: "Quả đào mới bổ dưỡng, quả hạnh độc, dưới gốc cây mận còn chôn người chết đấy."

Phó Quế trừng mắt, cố tình chỉ ăn mận, nhét cả quả vào miệng nhai rôm rốp.

Phó Nguyệt thấy nàng không nghe lời mình nên tủi thân, nhìn nàng chằm chằm như lên án.

Từ ngoài viện, Chu Viêm đi vào phía mái hiên, tay nâng niu mấy tờ giấy đỏ, nói: "Ngũ tiểu thư, đây là nhị thiếu gia bên đại phòng sai người mang sang."

Nghe nói là đồ của Phó Vân Chương đưa sang, mọi người nhao nhao đòi xem. Phó Vân anh đặt sơn tra trong tay xuống, rửa sạch tay, đỡ giấy đỏ từ tay nha hoàn, hóa ra là Phó Vân Chương vẫn nhớ viết cho nàng mấy chữ. Y cho đưa sang bốn chữ "Đan Ánh Sơn Quán", có lẽ là Phó Vân Chương biết trong viện của nàng có một cây táo nên lấy hai chữ "Đan Ánh" [3] này.

[3] Đan là màu đỏ. Ánh là ánh sáng rọi lại. Đan Ánh là ánh sáng màu đỏ rọi lại, theo mình hiểu có lẽ là ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo nên rọi lại ánh sáng màu đỏ.

Nàng bảo Chu Viêm cất đồ về phòng, Phó Quế huých nàng, "anh tỷ nhi, muội định lấy gì làm quà đáp lễ cho nhị thiếu gia?"

Quà đáp lễ thực ra đã tặng rồi, mấy chữ “Lâm Lang Sơn Phòng” hiện đã được ghi trên chiếc biển treo trước cửa thư phòng. Nhưng mà chữ của cử nhân lão gia thì đương nhiên vẫn có giá trị hơn chữ của nàng...

Phó Vân anh suy tư một lát, vừa đúng lúc mấy bà tử bê một sọt sơn tra và quả hạnh đi ngang qua, có vẻ là đang đưa đến các viện của các tiểu thư, thiếu gia. Nàng gọi Phương Tuế lại, "Phần của ta không cần giữ lại, mang qua đại phòng tặng nhị thiếu gia."

Phương Tuế cười cười nói: "Tứ lão gia đã dặn để lại một phần tặng nhị thiếu gia rồi ạ."

Phó Quế chen lời: "Đấy là tứ thúc tặng, phần này của anh tỷ nhi tặng, vẫn khác nhau mà."

Phương Tuế nhìn Phó Vân anh chờ nàng quyết định.

Phó Vân anh nói: "Nếu tứ thúc tặng rồi thì thôi vậy."

Phó Quế nhướn mày, đi tới cạnh Phó Vân anh, thì thầm vào tai nàng: "Muội ngốc thế! Nhị thiếu gia chính là cử nhân lão gia, sau này có thể làm quan, muội mà được lòng nhị thiếu gia, huyện Hoàng Châu này làm gì có ai dám bắt nạt muội nữa, hiểu không?"

Phó Vân anh tưởng tượng ra hình ảnh Phó Vân Chương mặc triều phục, đội mũ quan, không hiểu sao lại bỗng nhiên liên tưởng tới hình ảnh Thôi Nam Hiên sau khi đề tên bảng vàng cưỡi ngựa diễu phố ngày nào, hơi thất thần ngẩn ra một lát rồi mới nói: "không sao đâu, đưa nhiều quá huynh ấy làm sao ăn hết được, muội sẽ tặng quà khác sau."

Phó Quế gật đầu nhưng vẫn không an tâm hẳn, dặn dò nàng: "Muội không được quên đâu đấy!" nói xong, Phó Quế thở dài, cảm thấy mấy chị em nhà mình không ai khiến người ta yên tâm được, Nguyệt tỷ nhi quá yếu mềm, anh tỷ nhi quá kì quặc, thật đáng lo mà!

Đợi khi ánh nắng không còn quá chói chang, Phó tứ lão gia sai người chuẩn bị xe để người trong nhà cùng đi ra bờ sông xem đua thuyền.

Mấy chị em đều đeo trang sức hình thảo trùng (ong, bướm...), mặc đồ mới, trang điểm rực rỡ. Phó Vân anh mặc một chiếc áo rộng bằng lụa màu trứng muối khoác bên ngoài áo kép màu xanh, eo đeo ngọc bội kết hoa, phía dưới mặc váy dài thêu hoa sen, chân đi giày đế cao thêu mây như ý. Nàng đang tuổi lớn, gần đây cao lên rất nhanh, đã gần cao bằng Phó Quế, đi giày đế cao nhìn càng cao hơn.

Xe ngựa vừa bắt đầu đi vào khu phố xá đông đúc, mọi người đã nghe thấy tiếng trống tùng tùng và tiếng thanh la bằng đồng lanh lảnh. Lư thị vén màn xe nhìn ra bên ngoài, hai bên bờ sông là biển người tấp nập, rộn ràng, nam thanh nữ tú đều ăn mặc trang điểm đẹp đẽ.

Đàn ông thì mặc trường bào, đội mũi, đeo túi thơm thêu ngũ độc, đi qua nhau chắp tay chào hỏi. Phụ nữ thì chải đầu thùy kế (kiểu tóc có lọn tóc rũ xuống), cài trâm vàng trâm bạc hình ngũ độc, tóc mai cài hoa lựu đỏ tươi, đeo ngọc bội ngũ sắc, trang điểm diễm lệ, luôn miệng nói cười. Trẻ con thì mặc quần áo họa tiết may mắn, ngụ ý khỏe mạnh trường thọ, túi áo chứa đầy các loại trái cây ngọt, mứt quả, chạy đuổi nhau đùa nghịch.

Lư thị chỉ vào đám người chen chúc dặn dò: "Chút nữa các con không được chạy lung tung. Bên ngoài có ba bị chuyên bắt cóc trẻ con, nếu bị chúng bắt đi, khóc hết nước mắt cũng không ai tìm thấy các con để cứu về đâu đấy!"

Mắt Phó Quế và Phó Nguyệt đang dính vào mấy cô bé bên ngoài vây quanh một người bán hàng để mua đồ chơi, mặt háo hức mong chờ, nghe thấy vậy mặt cũng biến sắc, gật đầu lia lịa.

Vừa đến nơi, Lư thị bảo nha hoàn đưa Phó Vân Khải và Phó Vân thái tới cạnh bà, "Bọn nó còn nghịch hơn khỉ, quan nhân trông thế nào được. Để chúng nó đi với ta, để ta xem xem trước mặt ta còn đứa nào còn dám không nghe lời!"

Mấy chữ cuối cùng nói như rít lên vì xe ngựa còn chưa dừng hẳn, Phó Vân Khải và Phó Vân Thái vốn đang ngồi cùng xe với Phó tứ lão gia đã vội vàng vén rèm nhảy xuống, chạy vèo đi mất.

"Hai đứa quay lại đây cho ta!" Lư thị tức giận đến xanh cả mặt.

Phó Vân Khải và Phó Vân Thái bị bà tử bắt được đưa về, dằn dỗi tới bên cạnh Lư thị, Lư thị tay trái một đứa, tay phải một đứa, không cho chúng chạy nhảy lung tung nữa.

Bên bờ sông có xây trúc lâu, phần lớn đều là những quán ăn ngày thường vẫn bán rượu và đồ ăn cho thủy thủ trên các thuyền buôn. Dịp lễ tết, họ đóng cửa, cho các nhà giàu trong huyện thuê lại. Những dịp như thế này, các gánh hát sẽ biểu diễn trên sân khấu ở bờ sông, Tết Trung thu vẫn là đông nhất, đến dân chúng các châu huyện xung quanh cũng chèo thuyền tới xem diễn. Những người giàu có thuê trúc lâu ở gần đó để phụ nữ trong nhà có thể ngồi trên trúc lâu vừa xem vừa ăn trái cây, không cần phải chen chúc bên ngoài.

Mọi người trong nhà bước lên lầu hai của trúc lâu. Cửa sổ giờ đã được dỡ xuống hết, ánh sáng tràn vào trong trúc lâu, bàn ghế được kê dọn sạch sẽ, nước trà, trái cây và đồ ăn vặt đều đã được chuẩn bị kỹ càng.

Lư thị và Hàn thị đỡ Đại Ngô thị ngồi xuống, Phó Vân Khải và Phó Vân Thái cũng nhân lúc này lủi đi mất.

Cuộc đua thuyền rồng còn chưa bắt đầu, dân chúng tới xem hai bên bờ sông đã kéo ra hò hét rất hăng. Mỗi đội thi đấu đại diện cho một địa phương khác nhau, thuyền rồng là do những hộ giàu ở địa phương đó đóng góp, những người chèo thuyền là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất vùng. Có người lớn tiếng khoe khoang các thành viên đội mình đều là đại lực sĩ, nhất định có thể giành giải nhất. Người khác lên tiếng phản đối. Thế là đôi bên cãi cọ váng bờ sông.

Sau đó, dân chúng bên bờ sông bắt đầu hát đối. Theo phong tục địa phương, hát đối là để bày tỏ tình cảm ái mộ giữa thanh niên nam nữ, giờ những người đang hát đối kia đều đã tức giận nên đổi hết lời ca ngọt ngào sang thành chửi bới, người này chửi lời thô tục, người kia văng lời thô lỗ, ngươi chửi cha ta là chó chết, ta chửi tổ tông nhà ngươi toàn là rùa đen, không ai chịu thua ai.

Nhưng bởi đang là dịp lễ tết, mọi người xung quanh đều cười xòa, không mấy ai quá quan tâm chuyện mấy lời hát đối giờ đã lẫn thêm mấy chữ thô tục, chỉ có mấy người mẹ che tai con gái mình lại, sợ con gái nghe được mấy lời hư hỏng không hay ho kia.

Hàn thị chưa được xem đua thuyền rồng bao giờ nên cũng phấn khích.

Bên bờ sông không chỗ nào là là không đầy người, các gánh hát, đoàn thì đang múa sư tử, múa rồng, đoàn múa điệu chèo thuyền, đi cà kheo, còn có người hóa trang thành ông cá, bà cá, yêu tinh sò ốc, binh tôm tướng cua, có người đang phe phẩy cây quạt rách. Chiêng trống vang lên rung cả trời, mấy người đi cà kheo, múa chèo thuyền với mấy người giả trang thần tiên ma quái cũng nhảy theo tiết tấu làm đủ mọi động tác gây cười làm dân chúng xem diễn cười lăn cười bò.

Tiếng thanh la ngày càng gần, đoàn múa chèo thuyền và mấy yêu tinh sò ốc đã tới trước cửa trúc lâu mà người Phó gia đang ngồi, chắp tay thi lễ với họ.

"Bọn họ đang làm gì thế?" Hàn thị hỏi Phó Vân anh.

Phó Vân anh trả lời: "Họ đang xin thưởng."

Nàng vừa dứt lời, Đại Ngô thị ngồi bên cạnh lên tiếng nói với Ngô thị: "Thưởng họ mấy đồng tiền, cho thêm kẹo đậu phộng, kẹo mạch nha là được rồi."

Lư thị vâng dạ rồi xoay người gọi nha hoàn đưa cho tiền thưởng cho họ, "Bên ngoài đều là người trong vùng, đừng để họ cười quan nhân nhà chúng ta keo kiệt."

Bọn nha hoàn cười thưa vâng, tứ thái thái từ trước đến nay lúc nào cũng sĩ diện như thế.

Phó Quế kéo Phó Vân anh tới ngồi cùng, bóc đậu phộng cho nàng ăn, hỏi nàng nhị thiếu gia bình thường qua lại với những ai, trong huyện còn có ai có học vấn tốt giống y hay không, đã thành thân hay chưa.

Phó Vân anh thầm nghĩ cô bé này vẫn còn trẻ con lắm, vô ý vô tứ hỏi trắng ra như thế này...

Thực ra thế cũng là bình thường, đối với con gái, hôn nhân quyết định hạnh phúc cả đời. Phó tam thúc và Phó tam thẩm không quen biết rộng, Phó Quế tự tính toán cho tương lai là chuyện đương nhiên, nàng ấy cũng đâu có làm hại đến ai.

Nàng cũng là con gái, nàng hiểu sự thấp thỏm âu lo của cô bé này đối với việc hôn nhân đại sự.

Đàn ông nếu cưới phải người vợ không tốt, có thể bỏ vợ, có thể nạp thiếp, phụ nữ gặp phải người không ra gì thì đa phần đều gặp phải kết cục thê lương.

Phó Vân anh nghĩ ngợi một hồi, cũng không qua loa lấy lệ, nghiêm túc nói với Phó Quế: "Muội không để ý, để lần tới muội hỏi nhị ca xem sao."

Mặt Phó Quế hơi đỏ lên, khẽ nói: "Nếu nhị thiếu gia hỏi muội, muội nhất định không được nói là tỷ hỏi đâu đấy, nói là mẹ tỷ hỏi muội."

Phó Vân anh gật đầu đồng ý.

Phó Nguyệt thấy hai người ngồi sát bên nhau to to nhỏ nhỏ, bưng đĩa củ ấu tươi lại gần. Mấy chị em lại ngồi nói chuyện phiếm, mấy người đi cà kheo cũng dần tản đi.

Bà tử mang theo cả bếp lò để luộc đậu tằm tươi mới thu hoạch năm nay. Họ ngồi dưới lầu luộc mà mùi hương bay lên tận trên lầu. Đậu tằm chỉ cho muối chút muối, không cần thêm gia vị, mỗi người cầm một bát nhâm nhi, thơm thơm ngọt ngọt. Phó Vân anh thích ăn món này, nhoáng một cái đã ăn cả một bát lớn.

Bỗng ở phía bờ sông trước mặt nổi lên mấy tiếng vang, tri huyện đại nhân đã xuất hiện ở đài cao trước trúc lâu, đám người đang ầm ĩ cũng dần yên tĩnh, cuộc đua thuyền rồng chuẩn bị bắt đầu.

Lúc này, một người đã đi theo Vương thúc trèo lên trúc lâu, đến trước mặt Phó tứ lão gia, thi lễ rồi cười nói: "Nhị thiếu gia nghe nói ngũ tiểu thư ở bên này, sai tiểu nhân tới mời ngũ tiểu thư sang bên đó."

Phó tứ lão gia đang cầm một củ khoai lang nướng ăn ngon lành nghe thấy thế suýt bị nghẹ, ho khù khụ mấy tiếng, đặt khoai lang xuống, vuốt ngực áo, quay về với dáng điệu nghiêm túc, mỉm cười hỏi: "Nhị thiếu gia đang ở trúc lâu nào?"

Liên Xác chỉ về đài cao tri huyện đại nhân đang đứng, tới gần mấy bước, nói nhỏ với ông: "Tri huyện đại nhân mời khách quý, mời nhị thiếu gia đi tiếp khách. Nhị thiếu gia nói nhất định phải để ngũ tiểu thư gặp vị khách quý kia."

Phó tứ lão gia suy nghĩ thật nhanh. Ban đầu, ông vốn không định để anh tỷ nhi ra chỗ Phó Vân Chương, cả nhà đang quây quần vui vẻ, không nên đi quấy rầy người khác, sợ lại làm anh tỷ nhi sợ hãi nhưng mà nếu đã là khách quý, từ chối cũng không hay lắm. Ông vẫy tay với Phó Vân anh, "anh tỷ nhi, con đi theo Liên Xác sang bên đó, đừng sợ, tứ thúc bảo Vương thúc đi theo con, nhị thiếu gia đang đợi con đấy."

Phó Vân anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hôm qua Phó Vân Chương còn nói hôm nay không cần qua chỗ y học, nhưng cũng không nhắc đến chuyện này.

Nàng từ biệt Đại Ngô thị, Lư thị và Hàn thị, dẫn theo hai nha hoàn, một ma ma và Vương thúc, đi xuống trúc lâu với Liên Xác.

Editor: Bug ở đây chính là… ánh trăng. Hai chương đều đặt thời gian mấy ngày trước và trong tiết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) mà lúc nào trăng cũng sáng ngời chiếu rọi. Đoạn Hoắc Minh Cẩm về nhà chắc tầm mùng 2, mùng 3 là cùng mà lúc nào cũng thấy tắm mình trong ánh trăng sáng . Có thể là do tác giả theo đuổi hình tượng duy mỹ, vì hình ảnh đoàn người lẫn vào trong ánh trăng là một hình ảnh rất đẹp (dù hơi điêu). Cũng có thể ánh trăng là hình ảnh ước lệ, đó là ánh trăng trong lòng Hoắc Minh Cẩm, ánh sáng chiếu rọi cho cuộc đời u tối của chàng, mỗi tội ước lệ hơi siêu thực thôi…

Xin lỗi mọi người vì cơn phân tích văn học lại nổi lên, có điều hồi đi học phải phân tích nghiêm túc sâu sắc, ngôn từ chọn lọc, giờ toàn phân tích kiểu nhố nhăng hời hợt, dùng từ tùy tiện thế này. Những đứa từng đi thi văn (dù là thi HSG, thi chuyên hay thi đại học), rất nhiều đứa có ước mong được phân tích bậy bạ vào bài một lần mà không dám, đến khi hết đi thi thì viết ra cũng vẫn vui, dù không có được cái cảm giác “thành tựu” như viết vào giấy thi nữa rồi (mình đã từng làm một lần, hậu quả cũng dễ đoán nhưng lúc viết còn đang cười ngớ ngẩn như con điên, nộp bài không hối hận). Có khi tại mình là đứa trải qua rất nhiều năm cuộc đời trong các phòng thi nên đọc truyện này thấy khá đồng cảm mấy vụ thi thi học học.

Lần sau mình sẽ tách ra, không bình luận dưới chương nếu không cần thiết nữa. Dạo này chỗ mình ở vẫn bị cô Vi đè cho nát bét nên mình vẫn có nhiều thời gian edit… Xin lỗi vì lải nhải nhiều… vì mình ở nhà buồn quá. Cảm ơn các bạn đã like và comment cổ vũ mình nha! Các bạn cho mình thêm nhiều động lực lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.