Kinh Thánh Của Một Người

Chương 17




Anh kể, cuối cùng thì con người mới được chế cũng ra lò, một điển hình hoàn mĩ, một chiến binh tên gọi Lôi Phong, một cô nhi không cha không mẹ, lớn lên dưới ngọn cờ hồng, không vì cá nhân, xả thân cứu người, hi sinh tính mạng. Văn tự đầu đời của vị anh hùng hầu như không có chút ham muốn gì cho bản thân này là những bài viết thu hoạch tâm đắc sau khi học Mao tuyển, những cảm kích vô cùng đối với lãnh tụ và nguyện làm một đinh ốc luôn luôn được lau chùi sáng loáng. Sự tích Lôi Phong trở thành khuôn phép cho mọi người, ai ai cũng phải học tập Lôi Phong, làm con người mới. Anh cũng vậy, dẫu đôi phần nghi vấn. Hồi ấy là thời kì đang thịnh hành chế độ báo cáo tư tưởng trong các trường đại học, mọi sinh viên phải định kì tìm đến bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn để trao đổi tâm tư, thổ lộ hết mọi suy nghĩ, thắc mắc của mình, nhất là những lần hội nghị tổng kết tư tưởng thì lại càng thành khẩn bộc lộ cho bằng hết. Anh đã ngây thơ, nếu không muốn nói là mắc lừa, bèn hỏi bí thư, làm một người anh hùng có thể không cần phải xông ra dập bom, dập lửa hay chăng, để giữ thân mình khỏi bị phanh thây xé xác? Lại nữa, một cỗ máy so với chiếc đinh ốc thì cái nào có tác dụng hơn? Lời phát biểu của anh khiến cả lớp cười ồ, nhất là đám nữ sinh, và anh bị phê phán, cũng may mà đang ở trong phạm vi thảo luận lớp học, vấn đề chưa đến nỗi nghiêm trọng, nhưng từ đấy anh rút ra bài học, làm người phải biết nói dối, còn chỉ mỗi nói thật, thì thôi đừng sống nữa. Nhưng đè nén một con người thuần khiết lại là điều không thể, vì vậy mà nhiều năm sau bài học ấy anh vẫn cứ không thuộc.

Anh buồn rầu, hoang mang, rồi rủ mấy người bạn thân thời còn trung học cùng ra công viên Tử Trúc Viện - Tây Giao gặp nhau. Mỗi người một trường đại học, chẳng quan hệ gì trực tiếp, nhưng có chung sở thích văn học và ở tuổi thanh xuân họ cũng đã cảm kích viết thơ làm văn; nay bị rơi vào hoàn cảnh tư tưởng bị ức chế ở môi trường đại học, họ muốn ra đây xả hơi một chút. Công viên mới xây dựng không bao lâu, còn khá hoang vắng, chỉ có quán trà bên cạnh hồ nhưng đám học sinh nghèo đừng hòng mon men tới. Xa xa là một vùng yên tĩnh, chẳng ai đến dạo chơi, cây cỏ um tùm, mỗi khi nổi gió người ta có thể ngửi thấy mùi thơm của lúa mạch từ cánh đồng gần đó bay tới, bấy giờ vào khoảng tháng năm, sắp vào mùa gặt.

Đại Đầu tâm sự, hắn muốn viết một vở kịch, đại loại giống như vở “Buồng tắm” của Maiakovski. Sở dĩ anh chàng có biệt hiệu “Đại Đầu” vì đã một lần giành giải quán quân kì thi toán toàn thành phố, và cứ đến mùa đông, cái mũ lông cậu ta đội phải lớn hơn bạn bè hai ba số. Cũng may Đại Đầu quay về ngành toán của mình, chứ không viết những gì là ao, đầm hay buồng tắm, nhưng Đại Đầu vừa phát biểu luận văn trên một tạp chí toán học quốc tế, xuất bản bằng tiếng Anh thì lập tức bị cách luôn cái mạng văn hóa, tống về nông thôn tám năm đi chăn bò. Vấn đề của Đại Đầu không xảy ra trong lần gặp nhau ở Tử Trúc Viện, mãi sau này tốt nghiệp về sinh sống trong khu tập thể một viện nghiên cứu nơi anh công tác, ăn nói không biết giữ mồm giữ miệng nên bị đồng sự tố cáo “viết báo làm lộ bí mật ra nước ngoài”.

Sa cơ lần ấy là Trình Mã Quái. Ngày còn học trung học, Trình thường mặc loại áo khoác ngoài đã cũ của cha anh để lại, và trong từ điển thời trang Trung Quốc gọi nó là “mã quái”, vì vậy bạn bè đặt biệt hiệu đó cho anh. Cuốn nhật kí của Trình bị một người bạn cùng phòng xem trộm, liền báo cáo với chi đoàn thanh niên về cuộc gặp gỡ Tử Trúc Viện. Mã Quái là đoàn viên duy nhất trong nhóm bạn, và cũng chẳng rõ vì sao anh lại “theo đuôi quần chúng lạc hậu” như vậy. Nhật kí không viết tỉ mỉ về nội dung tao ngộ, mà vấn đề là ở chỗ một người con gái nào đó được nhắc đến trong này. Nghe nói, Trình bị quy chụp là vàng vọt, hạ lưu và bị điều tra xem thực hư thế nào.

Trong buổi “chụm đầu” ấy, anh kể chuyện nhà văn Xô Viết Erenburg, ông viết về Paris hồi đầu thế kỷ với những quán rượu, nơi tụ hội các nhà thơ, họa sĩ theo chủ nghĩa siêu thực, và còn cho các bạn biết, rằng một tác gia khác vì đề xướng chủ nghĩa hình thức nên cuối cùng đã bị hành quyết. Nhưng giật gân hơn là câu chuyện của Đại Đầu mà anh đã đọc trên “Tuần tin tức Mạc Tư Khoa”, nói về bản báo cáo bí mật của Khroutchev chống Stalin. Người thứ tư gặp gỡ ở Tử Trúc Viện là sinh viên ngành sinh học, đang theo đuổi chuyên đề di truyền, đã nhắc đến triết học Ân Độ, nói rằng thơ của Tagore là kết quả tương giao giữa con người và thần linh.

Trình Mã Quái bị thẩm vấn đã không khai báo gì cả, nên chẳng ai biết là họ đã bàn luận đến Maiakovski, Erenburg, Khroutchev, Tagore. Họ Trình thật có chí khí, nếu không thì cả ba đều bị bán đứng lâu rồi. Khi bị hỏi tới tình tiết hôm ấy mấy nữ sinh cùng tham dự và thằng cha ấy (tức là anh) có quan hệ nam nữ gì bên ngoài nhà trường hay không, Trình lắc đầu, thưa không, nên anh mới từ hung hóa cát, thoát khỏi hiểm nguy. Chỉ một lần ấy thôi, về sau cạch luôn cái khoản tụ họp.

Nhóm sinh viên Tử Trúc Viện không phong trào, không chủ nghĩa, không đoàn thể may mà kịp thời phanh xe, hãm cứng, không ai tố cáo ai, nếu không thì căn cứ vào những lời bàn luận trên trời dưới biển của các anh, dẫu chưa cần chụp cho cái mũ chống cách mạng, chỉ nới tay ghi vào lí lịch là cũng đủ toi đời, đâu có được như ngày hôm nay. Sau đó, các anh đều biết đeo mặt nạ, không thủ tiêu tiếng nói của mình mà giấu kín nó ở tận đáy lòng...

Anh tỉnh giấc. Ngoài song, bầu trời đêm, bao đám mây vần vụ, chẳng biết là mình đang ở nơi đâu. Định lười biếng nằm ráng thêm tí nữa, nghĩ ngợi chuyện xưa, nhưng chợt xem đồng hồ, vội vàng trở dậy vì trước khi hạ màn anh phải có mặt ở nhà hát, để còn bước lên sân khấu chụp ảnh chung với toàn thể diễn viên đoàn kịch, rồi cùng đến nhà hàng liên hoan chia tay, buổi công diễn cuối cùng dẫu sao cũng có nhiều lưu luyến. Từ thành phố này đến thành phố khác, bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu lãnh thổ đã đi qua, đường bay còn khó xác định hơn cả loài chim, nhưng lại được thụ hưởng những khoái lạc nhất thời ở mọi nơi chốn, nghĩa là đã cất cánh được thì cố mà bay, bay cho tới lúc nào mỏi mệt rơi xuống mới thôi. Đêm nay anh như cánh chim không mời mà đến, bay tới đây vì những niềm vui, hà tất phải phiền muộn làm gì.

Phòng tiệc đã đặt sẵn, mấy chục người ngồi kín chỗ, đang vui vẻ chạm li chúc tụng, cười nói, trao nhau địa chỉ vì đa phần rồi sẽ còn gặp nhau, trái đất này rộng lắm. Nữ diễn viên mắt to, tráng kiện thủ vai chính muốn anh có đôi lời lưu lại trên các tờ quảng cáo, anh liền cầm bút múa dòng chữ “một ngươi phụ nữ tốt” ngay phía sau tên của chị. Chị cười híp cả mắt và tinh nghịch hỏi lại “tốt ở chỗ nào?”.

- Tốt ở tự do - anh nói.

Mọi người hò reo hưởng ứng câu trả lời, còn chị ta thì giơ hai tay quay tròn một vòng, để trình diễn thân hình chắc nịch, đẹp và gợi cảm của mình. Một thanh niên tỏ ra sầu não, tiến đến hỏi anh:

- Soạn giả kiêm đạo diễn, ông nghĩ gì về hôn nhân?

- Nếu chưa kết thì hãy kết đi.

- Còn nếu đã kết rồi?

Cả hội cười vang. Chàng trai trẻ không chịu buông tha:

- Chắc ông có nhiều bạn gái?

- Tình yêu như ánh mặt trời, không khí và như rượu.

Đến đây thì đám thanh niên vui quá, bất chấp mọi lễ nghi, đề nghị tất cả hãy cùng nâng li cạn cốc với anh.

- Còn nghệ thuật? - Giọng cô gái nào đó nhẹ nhàng, e ấp hỏi. Anh bật ngay:

- Nghệ thuật bất quá cũng chỉ là một cách sống!

Anh nói, anh chỉ muốn sống ngay lúc này, giờ này, không cầu mong bất hủ, bia mộ dựng lên là vì người sống chứ không liên can gì đến người chết cả. Rượu đã uống khá nhiều, dẫu có đôi lời “rượu nói” thì cũng chẳng ai trách. Diễn kịch để mong được sống vui, vì thế đã diễn là diễn cho tận hứng. Anh nói như vậy và tiếp lời, được cùng làm việc với các anh chị tôi rất vui, xin cảm ơn tất cả.

Trợ lí đạo diễn, người cao gầy, tuổi có vẻ nhỉnh hơn anh chút đỉnh, thay mặt mọi người ở lại bày tỏ lòng hân hoan với vở kịch mà anh đã viết cách nay hơn mười năm, nhưng không hề lỗi thời, mong anh trở lại, mong được diễn vở mới của anh. Anh không muốn làm cử tọa cụt hứng bèn nói, thế giới này chẳng phải vô biên, mà Hương Cảng đây thì chúng ta có thể nhìn rõ trên bản đồ, nghĩa là cơ hội tái ngộ vẫn còn. Miệng anh nói thế mà lòng những nghĩ, con chim nọ đã được sổ lồng, hẳn không thể chui vào đó để làm gì nữa. Anh nhớ lần ấy trên cao nguyên miền Trung nước Pháp, cúi nhìn thành phố dưới kia, một giáo đường với tháp chuông nhọn hoắt cao cao, còn cách bờ lộ không xa, trên bãi cỏ là những cô gái phơi trần đỏ ong tắm nắng. Bầu trời lộng gió cùng bao cánh chim ưng, chúng bay lượn như muốn cắp những miếng mồi ngon nằm tràn trên mặt đất. Nghe nói, loài chim ưng này phải mua từ Thổ Nhĩ Kỳ, ở Pháp đã tuyệt chủng từ lâu.

_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.