Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 17: Kiến thiết an phú thành










Sau khi thành thị thành hình, Giang Phong lại phải suy nghĩ đặt cho nó một cái tên. Chúng thuộc hạ nhất trí phản đối cái tên nguyên bản của nó : Mã Ni (tên Hán tự của Manila), cho rằng như thế kém văn hoa, giống như tên gọi của một xứ ‘man di’. Đành rằng trước đây nơi này đúng là một xứ ‘man di’. Nhưng giờ đây đã không phải nữa.



Sau một thời gian suy nghĩ, Giang Phong đặt tên cho thành thị là An Phú Thành, để tưởng nhớ quê hương, nơi Giang Phong đã sinh ra. Chúng thủ hạ đâu biết suy nghĩ của Giang Phong, nhưng đều chấp nhận tên mới này, vì nó mang theo hy vọng ‘an lành và phú túc’. Và như vậy thì tên vịnh, tên sông cũng sẽ đổi thành vịnh An Phú, và An Phú Giang.



An Phú Giang (tức sông Pasig) dài khoảng 27 kilômét, chảy từ Lâm Hải Hồ (tức hồ Laguna de Bay) đến vịnh An Phú (tức vịnh Manila), giờ đây đã trở thành một con sông quan trọng, vừa cung cấp nước ngọt cho An Phú Thành, vừa là tuyến đường chủ yếu vận chuyển nguyên liệu vật tư từ khu vực Lâm Hải Hồ đến An Phú Thành. Các lò nung gạch ngói, các mỏ đất sét, các xưởng thạch nê đều nằm bên bờ Lâm Hải Hồ. Một số khu khai thác gỗ cũng ở đấy. Do đã có thể sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, việc xây dựng kiến thiết ở An Phú Thành giờ chỉ còn phụ thuộc vào lượng sắt thép vận chuyển từ Hải Tân sang.




Một vạn căn nhà mới xây dựng xong, Giang Phong cấp cho 5.000 dân phu từ Đại Việt sang mỗi người một căn, chờ đón gia đình bọn họ từ Đại Việt sang ở chung; 5.000 căn còn lại cấp cho dân bản địa quy thuận, giờ đều đã trở thành thần dân của Giang Phong. Chỉ có một số ít vốn là quân của Vương quốc Hồi giáo Văn Lai, hoặc thủ lĩnh các bộ lạc, thị tộc, ngoan cố không thuần phục, hoặc là phần tử bất ổn định, nên bị bắt đi làm khổ công, làm những công việc nặng nhọc. Thần dân của Giang Phong, khi làm việc sẽ được trả công, còn khổ công thì chỉ được nuôi ăn nuôi ở. Bọn họ tuy không đến nỗi bị ngược đãi (Giang Phong cho rằng ngược đãi sẽ khiến hiệu suất làm việc rất thấp, nên cấm ngược đãi dân phu), nhưng cũng không được tự do. Tù binh mà.



Triệu Phong vẫn tiếp tục chinh chiến, mở rộng phạm vi kiểm soát. Tù binh và dân các bộ lạc bị công chiếm liên tục được đưa về. Những người này đều được Giang Phong cho đưa đi ‘lao động cải tạo’ (thực ra là tận dụng sức lao động), trước khi quyết định cho trở thành thần dân hay khổ công.



Trong An Phú Thành, ngoài 1 vạn căn nhà ở các khu cư dân, đương nhiên còn có khu trang viên dành cho tầng lớp trên, trước mắt là Giang Phong và chúng thủ hạ, sau này còn có thêm những người giàu có. Khu vực này nằm về hướng bờ sông, thật ra phải gọi là khu tiểu cung điện, bởi mỗi gian tuy diện tích không rộng, chỉ 5 trượng x 10 trượng (tức 20 mét x 40 mét), nhưng đều xây dựng rất nguy nga quý phái. Những tòa nhà bốn tầng rộng lớn nằm giữa một khu vườn, nhìn qua cũng đủ thấy quý phái sang trọng. Muốn xây dựng được những tòa nhà cao như thế, công xưởng ở Hải Tân phải sản xuất một loạt thép đặc biệt, sau khi đúc thành dạng thanh xong phải rèn đập nhiều lần để tăng độ kiên cố vững chắc, tốn nhiều công sức hơn.



Ở trung tâm thành thị, trên một khu đất rộng dài 100 trượng đang được xây dựng một tòa cung điện. Đó là nơi ở của Giang Phong sau này. Do công trình quy mô lớn, dù sử dụng nhiều lao động, nhưng không thể hoàn thành trong thời gian ngắn được. Tạm thời Giang Phong vẫn phải ở tại một trang viên giống như chúng thủ hạ.



Ngoài ra, trong thành thị còn có một số kiến trúc được ưu tiên xây dựng như Y Viện, Học Viện. Thầy thuốc, thầy đồ đều được đưa từ Đại Việt sang. Giang Phong còn ra lệnh mọi thần dân chưa biết chữ, bất kể nam nữ trẻ già đều phải đi học cho đến khi biết chữ, học miễn phí. Đương nhiên trường học dạy thứ chữ do Giang Phong ‘sáng tạo’ ra. Giang Phong làm thế là để giảm ảnh hưởng của chữ Hán, đồng thời nếu mọi người cùng nói một thứ tiếng, cùng viết một thứ chữ thì đều sẽ là ‘người mình’ cả. Quan trọng nhất là học thứ chữ mới này không mất nhiều thời gian bằng học chữ Hán. Giang Phong không thể chờ đợi mấy chục năm rồi mới thấy hiệu quả được.



Mấy tháng trôi qua, mọi việc đã dần vào ổn định. Lúc này ở bờ Lâm Hải Hồ đã hình thành nên một thành thị thứ hai, cách An Phú Thành ước 80 dặm. Ban đầu nơi đó chỉ có một số lò nung gạch ngói, xưởng thạch nê xây dựng bên cạnh khu mỏ đất sét lớn. Dần dần có thêm xưởng gốm, xưởng mộc, xưởng thủ công mỹ nghệ, … và kèm theo là các khu nhà dành cho những người làm việc trong các công xưởng ở. Khi số lượng các công xưởng tăng lên, các khu dân cư cũng tăng theo, và hình thành nên thành thị. Giang Phong đặt tên cho nó là An Hòa trấn.




Khoảng cuối năm, sắp vào mùa đông, Giang Phong cho tập trung dân chúng khẩn hoang các khu đất trên lưu vực An Phú Giang và Lâm Hải Hồ, chuẩn bị cho vụ đông xuân. Do khí hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm, mùa đông cũng không quá lạnh, dân Đại Việt làm lúa theo hai vụ đông xuân và hè thu. Dù đã tích trữ được một lượng lớn lương thực, nhưng dù sao nông vụ cũng không thể bỏ.



Vào mùa vụ, nhưng Giang Phong không thể học theo các vị vua Đại Việt, ra đồng cùng dân chúng, dù chỉ là làm ruộng tượng trưng. Chúng thủ hạ đều phản đối Giang Phong làm thế. Thiên tử làm thì được, nhưng thần linh thì không nên, nếu không sẽ hạ thấp thân phận thần linh, hoặc nếu nhiễm phải ô uế thì càng không hay (quan niệm xưa ô uế có hại đối với thần linh). Đến giờ bọn họ đều nhận thức được lợi ích của thân phận thần linh của Giang Phong. Các bộ lạc ở đây dễ dàng thuận phục, một phần cũng nhờ Giang Phong là ‘thần linh’. Thuận phục thần linh là chuyện đương nhiên, chỉ có chống lại thần linh mới là đại nghịch bất đạo. Việc bọn họ cần làm chỉ là tuyên truyền cho dân chúng tin rằng Giang Phong là thần linh, sau đó mọi việc sẽ trở nên rất đơn giản. Mọi vấn đề dân tộc, nhiều khi chỉ cần đứng trước tôn giáo, sẽ không còn là vấn đề nữa. Nhất là khi dân bản địa trước đây đều sống lạc hậu.



Hơn nữa, Giang Phong còn có nhiều việc phải lo. Các thuật sĩ sau một thời gian khảo sát đã tìm được rất nhiều quặng mỏ : sắt, đồng, vàng, lưu hoàng, thủy ngân, tiêu thạch (tên thời xưa của Nitrat kali, một thành phần của thuốc nổ). Lâm Hải Hồ nguyên bản là một miệng núi lửa, do đó xung quanh nó có nhiều quặng mỏ cũng không có gì là lạ. Khu núi non ở phía bắc đảo Lã Tống cũng có rất nhiều quặng mỏ. Giang Phong phải lo tính việc khai thác, chứ cứ chở sắt thép từ Hải Tân sang cũng không hay lắm. Giang Phong cần lên kế hoạch trước, để đến khi nông nhàn thì có thể thực hiện ngay. Và cũng còn một việc quan trọng khác nữa : di dời Thái Học Viện từ Hải Tân sang An Phú Thành.



Giữa lúc đó, một tin tức khẩn cấp được báo đến Giang Phong : Vương quốc Đông Đô (tiếng latinh là Tondo) hội đại quân ở phía bắc Lâm Hải Hồ, chuẩn bị tấn công An Phú Thành để trả thù bọn Giang Phong đã giết chết quốc vương của họ.



Nghe tin này, Giang Phong rất ngạc nhiên. Bọn Giang Phong có giết chết vị quốc vương nào đâu. Còn Vương quốc Đông Đô này nghe thật lạ tai. Giang Phong cau mày, hỏi viên hướng đạo :



- Vương quốc Đông Đô này là gì thế ?



Viên hướng đạo ngẩn người, suy nghĩ một lúc mới đáp :




- Hồi bẩm đại nhân. Có lẽ đó chính là liên minh của các bộ lạc ở xứ này. Trước đây có một vị tù trưởng ở xứ này đem bảo vật tiến cống nước Tàu, rồi được ban cho một chiếc ấn khắc tên Đông Đô quốc, nhờ đó mà được các bộ lạc tôn làm Đại tù trưởng.



Giang Phong rất ngạc nhiên, theo Giang Phong được biết, khi Magellan đến xứ này thì nhiều bộ lạc bản địa vẫn còn sống trong xã hội nguyên thủy. Vậy mà lại có ‘Đông Đô quốc’ tồn tại. Giang Phong hỏi :



- Thế cái Đông Đô quốc đó thực lực như thế nào ?



Viên hướng đạo lắc đầu nói :



- Hồi bẩm đại nhân. Không có Đông Đô quốc nào đâu. Chỉ có liên minh giữa các bộ lạc thôi. Mà thật ra thì Đại tù trưởng chỉ có danh nghĩa thôi, không chỉ huy được bộ lạc nào khác, trừ bộ lạc của ông ta.



Giang Phong liền cho người đi thám thính kỹ hơn. Đến hôm sau, khi tin tức báo về, Giang Phong không khỏi bật cười. ‘Đông Đô quốc’ đại quân chưa đến 1 vạn người, còn trang bị thì … đừng nói là khôi giáp, nhiều người còn cởi trần; vũ khí, đại đa số sử dụng một thanh gỗ vót nhọn làm vũ khí. Chỉ một số ít ‘tinh nhuệ’ thì sử dụng đao kiếm bằng sắt. Trong khi Triệu Phong dẫn quân chinh phạt vùng lưu vực Lâm Hải Hồ, một trong số các bộ lạc bị tiêu diệt có bộ lạc của Đại tù trưởng ‘Đông Đô quốc’. Do đó các bộ lạc hội quân, mục đích chủ yếu không phải là để trả thù cho Đại tù trưởng, mà để tranh giành chức Đại tù trưởng, bởi theo giao ước, ai đánh đuổi được địch quân sẽ trở thành tân Đại tù trưởng, hay nói văn hoa hơn là tân quốc vương của Đông Đô quốc.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.