Đời Kỹ Nữ

Chương 68: Chương 35 part 1




Sau gần 40 năm, bây giờ khi nhớ lại cái đêm tôi với ông Chủ tịch gặp nhau, tôi không khỏi bồi hồi vì đó là lúc nỗi khổ của tôi đã lên tới cực điểm, đến độ trơ lì ra. Từ ngày tôi rời Yoroido, đời tôi chỉ gặp toàn chuyện đau khổ, gian truân. Và dĩ nhiên bước gian truân ấy vẫn còn rất rõ trước mắt tôi. Khi chúng ta lội ngược trong một dòng suối có nhiều đá ngầm, chúng ta phải cẩn thận từng bước một.
Nhưng cuộc đời tôi trở nên dễ chịu hơn sau khi ông Chủ tịch trở thành danna của tôi. Tôi cảm thấy đời tôi như cái cây có rễ đâm vào vùng đất ẩm phì nhiêu. Trước kia chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện mình may mắn hơn người khác, nhưng nay thì tôi có thể nghĩ rằng tôi là người có diễm phúc. Nhưng tôi phải thú thật rằng tôi đã sống trong cảnh hạnh phúc một thời gian lâu tôi mới nhìn về quá khứ để thấy lại cuộc sống cô đơn của mình trước đó. Tôi nghĩ không thể kể chuyện đời mình ra được, tôi không tin có ai thành thật nói về nỗi khổ đau của mình cho đến khi không chịu đựng được nữa.
Vào buổi chiều, ông Chủ tịch và tôi cùng uống sakê trong buổi lễ tại phòng trà Ichiriki, có một chuyện kỳ cục đã xảy ra. Tôi không biết tại sao, nhưng khi tôi nhấp tí rượu trong ba cái tách chúng tôi thường dùng, tôi đã để cho rượu sakê chảy ra khỏi lưỡi, một giọt chảy ra khóe miệng. Tôi mặc chiếc áo kimono màu đen có năm cái vương miện, với con rồng thêu chỉ vàng và đỏ uốn mình từ lai áo cho đến ngang đùi. Tôi nhớ tôi thấy giọt rượu rơi xuống dưới cánh tay, lăn trên nền vải đen cho đến khi nó dừng lại tại sợi chỉ lớn màu bạc ở cái răng của con rồng. Tôi biết hầu hết geisha đều cho hiện tượng này là một điềm xấu, nhưng với tôi, giọt rượu ấy như giọt nước mắt đã kể lại đời tôi. Nó rơi vào khoảng trống hoàn toàn không bị cái gì cản trở, rồi lăn theo một đường trên lớp lụa, và rồi chảy đến dừng lại trên răng con rồng. Tôi nghĩ đến những cánh hoa tôi đã ném trên thượng nguồn sông Kame, ở phía ngoài xưởng thợ của ông Arashino, mong sao chúng đến được với ông Chủ tịch. Và tôi cũng nghĩ chúng đã đến được.
Suốt thời con gái, tôi thường nuôi hy vọng điên cuồng, tôi nghĩ nếu được làm tình nhân của ông Chủ tịch thì chắc đời tôi sẽ tuyệt hảo. Hy vọng trẻ con ấy tôi mang theo bên mình cho đến lúc trưởng thành. Đáng ra tôi phải biết rõ hơn điều này, tôi đã gặp bao nhiêu bài học đắng cay có thể xem như cái ngạnh móc vào da thịt, phải chăng nó sẽ để lại những vết sẹo không bao giờ mất? Khi xua đuổi Nobu ra khỏi đời tôi vĩnh viễn, tôi không chỉ mất tình bạn của ông thôi, mà tôi còn tự mình xua đuổi mình ra khỏi Gion nữa.

Lý do quá đơn giản, đáng ra tôi phải biết trước mới phải. Người đàn ông thắng được giải thưởng mà bạn mình ao ước phải đương đầu với sự lựa chọn khó khăn, anh ta phải hoặc là thu giấu giải thưởng đi cho người bạn không thấy hoặc đành chịu cảnh sứt mẻ tình bạn. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn giữa tôi và Bí Ngô, tình bạn của chúng tôi không hàn gắn được sau ngày tôi được nhận làm con của nhà kỹ nữ. Cho nên mặc dù việc thương lượng của ông Chủ tịch với Mẹ để ông làm danna của tôi kéo dài mấy tháng trời, nhưng cuối cùng hai bên cũng đồng ý để cho tôi không làm geisha nữa. Dĩ nhiên tôi không phải là nàng geisha đầu tiên rời khỏi Gion, bên cạnh những cô bỏ đi, có cô lấy chồng và sống cuộc đời làm vợ, những người khác thì rút lui để mở phòng trà hay mở nhà kỹ nữ riêng ình. Thế nhưng trường hợp của tôi, tôi bị kẹt vào một tình thế ở giữa thật là kỳ khôi. Ông Chủ tịch muốn tôi rời khỏi Gion để không gặp Nobu nữa, nhưng dĩ nhiên ông ta cũng không cưới tôi được vì ông đã có vợ rồi. Có lẽ giải pháp tuyệt hảo nhất, giải pháp do ông Chủ tịch đề nghị, là để cho tôi mở phòng trà hay quán trọ, nơi mà Nobu sẽ không bao giờ đến thăm. Nhưng bà Mẹ không bằng lòng để cho tôi rời khỏi nhà kỹ nữ, nếu tôi không còn là thành phần trong nhà kỹ nữ nữa, thì bà sẽ không có lợi tức gì thu được từ mối liên hệ của tôi với ông Chủ tịch. Vì thế mà cuối cùng, ông Chủ tịch bằng lòng trả cho nhà kỹ nữ một số tiền đáng kể để Mẹ cho phép tôi chấm dứt hành nghề geisha. Tôi tiếp tục sống trong nhà kỹ nữ, y như lâu nay, nhưng tôi không đến trường học buổi sáng, hay đi quanh Gion để ra mắt khách khứa vào những buổi tiệc lớn, tiệc nhỏ, và dĩ nhiên, tôi không còn đi hầu vui cho khách vào buổi tối nữa.
Vì tôi đã có ý đồ trở thành geisha để có cơ hội chiếm được tình thương của ông Chủ tịch, nên có lẽ tôi không nên luyến tiếc gì về việc phải rút lui khỏi Gion. Thế nhưng trải qua nhiều năm trời làm geisha, tôi đã có nhiều bạn bè thân thiết, không những chỉ có geisha thôi, mà còn với nhiều đàn ông tôi quen biết nữa. Tôi không phải chia tay với các geisha khác vì tôi đã chấm dứt công việc giúp vui, mà còn chia tay với những người sinh sống ở Gion chỉ biết công việc nội trợ trong nhà. Tôi thường ghen với các cô geisha đang hấp tấp đi đến chỗ hẹn tiếp theo, vừa đi vừa cười đùa với nhau. Tôi không ghen vì cuộc sống bất định của họ, mà tôi ghen vì họ có nhiều hứa hẹn trước mắt, vì buổi tối của họ sẽ mang lại cho họ nhiều điều thích thú.
Tôi thường gặp Mameha. Ít ra chúng tôi cũng cùng uống trà với nhau nhiều lần trong một tuần. Vì cô ấy đã giúp tôi từ lúc tôi còn nhỏ - và nhất là cô đã thay mặt ông Chủ tịch để đóng vai trò đặc biệt trong đời tôi – nên chắc anh cảm thấy tôi mang ơn cô ấy không biết bao nhiêu mà kể. Một hôm vào trong một nhà hàng tôi thấy bức tranh lụa từ thế kỷ 18 vẽ cảnh một phụ nữ dạy ột thiếu nữ tập viết. Cô giáo trong tranh có khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, đang nhìn cô học trò với vẻ nhân từ, khiến tôi nghĩ đến Mameha, tôi bèn mua bức trang để làm quà tặng cho cô ấy. Vào một buổi chiều trời mưa, khi cô ấy treo bức tranh lên tường trong căn hộ buồn bã của cô, tôi đứng lắng nghe tiếng xe cộ chạy trên đại lộ Hagashi-Oji. Không làm sao tôi khỏi nhớ căn phòng đẹp đẽ của cô trước kia, tôi luyến tiếc vì không còn được nghe tiếng nước chảy róc rách ngoài cửa sổ từ cái thác nhỏ đổ vào con suối Shirakawa. Gion lúc ấy đối với tôi như một bức tranh cổ tuyệt vời, nhưng đã thay đổi quá nhiều. Bây giờ căn hộ của Mameha chỉ còn là một phòng nhỏ trải chiếu có màu u tối và phảng phất mùi thuốc Bắc của tiệm dược phẩm ở phía dưới – cho nên vì thế áo kimono của cô ấy thường thường cũng có mùi thuốc Bắc.
Sau khi treo bức tranh thuỷ mặc lên tường xong, cô ấy ngắm nghía một lát rồi trở về ngồi ở bàn. Cô ấy ngồi hai tay ôm lấy tách trà nóng, mắt nhìn vào tách trà như thể đang suy nghĩ để tìm ra lời gì để nói. Tôi kinh ngạc thấy gân tay nổi lên thật rõ trên hai tay cô, vì tuổi già đã xồng xộc đến. Cuối cùng, vẻ mặt buồn buồn, cô lên tiếng nói:

- Cuộc đời kỳ lạ thật, tương lai bất định. Cô phải cẩn thận đấy nhé, Sayuri, đừng đòi hỏi nhiều.
Tôi hoàn toàn cho lời cô ấy nói là đúng. Nếu tôi không tiếp tục tin rằng một ngày nào đó Nobu sẽ tha thứ cho tôi thì chắc tôi đã sống thoải mái hơn vào những năm sau đó. Cuối cùng tôi không hỏi Mameha về việc ông ta có hỏi han gì về tôi không, tôi rất đau khổ khi thấy cô ấy thở dài và nhìn tôi với ánh mắt buồn da diết, như thể muốn nói rằng cô ấy rất buồn khi thấy tôi không nghĩ đến chuyện gì hay ho, hơn là cứ hy vọng một chuyện như thế.
Vào mùa xuân năm sau, sau khi tôi đã thành tình nhân của ông Chủ tịch, ông mua một ngôi nhà thật sang ở phía Đông Bắc của thành phố Kyoto, và ông đặt tên là Eishin-an, có nghĩa là Đại phú ẩn cư. Ngôi nhà dùng đón khách của công ty, nhưng thực ra ông Chủ tịch sử dụng ngôi nhà này nhiều hơn ai hết. Đây là nơi tôi và ông cùng sống với nhau qua đêm mỗi tuần ba bốn lần, có khi nhiều hơn nữa. Gặp ngày bận bịu nhiều công việc, ông thường đi đến khuya và chỉ muốn tắm nước nóng trong khi tôi nói chuyện với ông, rồi sau đó đi ngủ. Nhưng hầu hết các buổi tối, ông đến vào lúc hoàng hôn, hay sau một chút, ông ăn cơm trong khi chúng tôi nói chuyện với nhau và nhìn gia nhân thắp đèn lồng trong vườn.

Thường thường khi nào ông đến, trước hết ông nói chuyện một lát về công việc trong ngày. Ông nói về những sự rắc rối trong việc sản xuất sản phẩm mới, hay về tai nạn giao thông có liên quan đến các bộ phận do công ty sản xuất, hay những việc đại loại như thế. Dĩ nhiên tôi rất sung sướng khi được ngồi nghe ông nói, nhưng tôi thừa biết ông Chủ tịch không phải kể những chuyện này vì muốn cho tôi biết, mà ông kể là vì ông muốn nói cho nhẹ bớt tâm trí, như đổ nước ra khỏi cái xô. Cho nên tôi nghe mà không chú ý đến nội dung, chỉ chăm chú đến giọng của ông thôi, vì khi ông cất giọng lên, tôi cảm thấy như nước chảy ra khỏi xô, nghĩa là ông trở nên dịu dàng, thoải mái. Khi nào thấy thuận tiện là tôi thay đổi đề tài, và sau đó, không nghiêm trang nói chuyện làm ăn nữa, mà chúng tôi nói về các chuyện vui khác, như là sáng ấy khi đi làm ông thấy có cái gì xảy ra, hay là cuốn phim mà chúng tôi vừa mới xem tại Đại phú ẩn cư cách đây mấy đêm có hay không, hay tôi kể cho ông về câu chuyện vui mà tôi đã nghe Mameha kể, cô ấy thỉnh thoảng vài đêm lại đến thăm chúng tôi. Nói tóm lại, công việc giản dị này đã làm cho ông thư thái tâm hồn, như chiếc khăn sũng nước đem phơi ngoài nắng mặt trời. Khi ông mới đến, tôi rửa tay cho ông bằng khăn nước nóng, mấy ngón tay ông cứng như que củi. Sau khi nói chuyện một lát, chúng mềm mại dễ thương như ông đang nằm ngủ.
Tôi cứ tưởng cuộc đời như thế mà trôi, hầu vui cho ông Chủ tịch buổi tối, sống thanh thản hạnh phúc suốt ngày tùy theo sở thích, nhưng vào mùa thu năm 1952, tôi theo ông sang Hoa kỳ, đây là chuyến đi thứ hai của ông ấy. Mùa đông năm trước ông sang một lần rồi, và chưa có bao giờ trong đời ông có chuyện gì gây cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc như chuyện đi này. Ông nói rằng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến được cảnh phồn vinh thực sự. Ví dụ, trong lúc ấy, hầu hết người Nhật mới chỉ được hưởng điện lực trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng ánh sáng trong các thành phố Mỹ thì sáng suốt ngày suốt đêm. Và trong khi chúng tôi ở Kyoto tự hào nhà ga xe lửa mới được đúc bê tong chứ không lát ván như trước, thì nền nhà các ga xe lửa ở Mỹ được lát đá hoa cứng. Ngay trong các thành phố nhỏ ở Mỹ, các rạp chiếu bóng cũng lớn như nhà hát quốc gia của chúng tôi, ông Chủ tịch nói thế, và các phòng vệ sinh công cộng khắp nơi đều sạch bong. Điều làm cho ông kinh ngạc nhất là hầu như mọi gia đình ở Mỹ đều có tủ lạnh, việc mua tủ lạnh rất dễ, chỉ cần một tháng lương của một công nhân trung bình thôi là mua được. Trong khi đó ở Nhật, một công nhân phải mất 15 tháng lương mới mua nổi cái tủ lạnh, cho nên rất ít gia đình có nổi một cái tủ lạnh như thế.
Như tôi đã nói, ông Chủ tịch cho tôi đi theo ông vào chuyện đi Mỹ lần thứ hai. Tôi đi xe lửa một mình đến Tokyo rồi từ đấy chúng tôi đáp máy bay sang Hawaii. Chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày rất thoải mái ở đây. Ông Chủ tịch mua cho tôi một bộ đồ tắm – lần đầu tiên tôi có đồ này – và tôi mặc ngồi trên bãi biển, tóc xoã dài xuống vai, như bao phụ nữ khác quanh tôi. Hawaii nhắc tôi nhớ đến Amani, tôi lo sợ ông Chủ tịch cũng có ý nghĩ như thế, nhưng nếu có, ông cũng không nói gì hết. Từ Hawaii, chúng tôi bay đến Los Angeles, rồi cuối cùng đến New York. Tôi không biết gì về nước Mỹ ngoại trừ những điều tôi thấy trên màn ảnh. Tôi không tin chuyện ở New York lại có những toà cao ốc vĩ đại như thế. Và khi vào ở trong phòng tại khách sạn Walforf-Astoria, nhìn qua cửa sổ thấy nhà cửa trùng điệp cao ngất quanh tôi và nhìn đường phố phẳng phiu sạch sẽ ở phía dưới, tôi cảm thấy như chuyện cổ tích. Thú thật tôi thấy mình như một em bé lôi ra khỏi mẹ, vì chưa bao giờ tôi rời khỏi nước Nhật, tôi không tin rằng một nơi xa lạ như New York này sẽ làm tôi sợ. Có lẽ nhờ tình thương của ông Chủ tịch mà tôi vững tâm đến đây. Ông lấy một phòng riêng dùng để làm việc, nhưng mỗi đêm ông đến ở với tôi tại căn hộ ông dành riêng cho tôi. Thường thường tôi thức dậy trong căn phòng kỳ lạ ấy, quay qua nhìn ông ngồi trong bóng tối, trên chiếc ghế kê bên cửa sổ, kéo màn che cửa để nhìn xuống Công viên Trung tâm. Một lần vào khoảng sau hai giờ sáng, ông nắm tay lôi tôi đến bên cửa sổ để nhìn một cặp tình nhân mặc áo quần như vừa đi dạ hội trở về, đứng hôn nhau dưới ngọn đèn ở góc đường.
Trong ba năm tiếp theo, tôi cùng ông Chủ tịch sang Hoa kỳ thêm hai lần nữa. Trong khi ban ngày ông đi lo công việc, tôi và cô hầu đi xem các viện bảo tang rồi vào ăn nhà hàng – và ngay cả vào xem một buổi múa ba lê, vở múa làm tôi thích thú vô cùng. Kỳ lạ thay là một trong số mấy nhà hàng ăn uống của người Nhật ở New York, có người quản lý tôi đã quen rất thân ở Gion trước chiến tranh. Vào một buổi chiều trong giờ ăn trưa, tôi đến phòng riêng của ông ta ở phía sau nhà hàng, giúp vui một số người đã lâu tôi không gặp lại, như Phó giám đốc công ty Điện thoại điện báo Nippon, Tổng lãnh sự mới của Nhật, nguyên là thị trưởng thành phố Kobe, một vị giáo sư khoa chính trị ở đại học Kyoto. Tôi có cảm tưởng như được sống ở Gion trở lại.

Mùa hè năm 1956, ông Chủ tịch có hai cô con gái với vợ chính thức, nhưng không có con trai – thu xếp để cho cô con gái đầu lấy một người có tên là Nishioka Mimoru. Ý đồ của ông là ông Nishioka sẽ lấy tên họ Iwamura rồi thừa kế ông, nhưng đến giây phút chót, ông Nishioka đổi ý, báo cho ông Chủ tịch biết ông ta không bằng lòng lấy con gái của ông Chủ tịch nữa. Ông này là một thanh niên có tính khí thất thường, nhưng ông Chủ tịch tin anh ta là người thông minh đĩnh ngộ. Ông Chủ tịch chán nản suốt mấy tuần, ông nạt nộ gia nhân và tôi thật vô cớ. Chưa bao giờ tôi thấy ông rối loạn tinh thần như thế.
Không ai nói cho tôi biết lý do tại sao. Nishioka Minoru thay đổi ý kiến, nhưng chắc có người biết. Vào mùa hè trước, người sáng lập ra công ty bảo hiểm lớn nhất ở nước Nhật đã không cho người con trai làm giám đốc, mà lại giao cho người con trai ngoại hôn còn trẻ hơn, anh này là con của ông ta với một geisha ở Tokyo. Chuyện này đã gây ra tai tiếng một thời gian. Những chuyện như thế này trước đây đã từng xảy ra ở Nhật, nhưng thường ở các giới thấp hơn, trong những gia đình buôn bán áo kimnono hay bán bánh kẹo, hay những gia đình buôn bán khác. Ông giám đốc công ty bảo hiểm đã cho báo chí hay rằng cậu cả của ông ta là “người kém tài năng hơn…” và ông nêu tên người con trai ngoại hôn của mình, mà không nói rõ về mối liên hệ tình dục với ai hết. Nhưng chẳng cần ông nói rõ hay không, mọi người ai cũng biết sự thật.
Nếu anh cho rằng Nishioka Minoru, sau khi đã bằng lòng làm kẻ thừa kế cho ông Chủ tịch, đã phát hiện ra một vài tin tức mới mẻ, như là ông Chủ tịch có con trai ngoại hôn chẳng hạn, thì theo tôi, việc anh ta không bằng lòng lấy con gái ông Chủ tịch là điều dễ hiểu thôi. Mọi người đều biết ông Chủ tịch ta than không có con trai và chỉ trông mong vào hai cô con gái. Nhưng ai biết ông ta không trông cậy vào cậu con trai ngoại hôn và biết đâu một ngày nào đấy, trước khi chết, ông ta thay đổi ý kiến, đem chuyển giao công ty mà ông đã dày công xây dựng cho cậu con trai ấy? Còn tôi thì không biết có đẻ cho ông Chủ tịch một đứa con trai hay không. Nếu tôi có đẻ, thì chắc tôi cũng không dám đề cập đến nhiều, vì sợ mang tai mang tiếng cho ông ta. Tốt nhất là không nên nói ra, vì không có lợi cho ai hết. Đối với tôi phương pháp hay nhất là không nói gì hết, tôi nghĩ chắc anh hiểu rồi.
 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.